1. Hệ thống tim mạch:
Vận động rất tốt để ngừa và chữa bệnh cao áp huyết. 13 khảo cứu được làm, cho thấy vận động đúng mức và thường xuyên 5 đến 7 ngày mỗi tuần, có thể giúp áp suất tâm thu (systolic blood pressure, nôm na là “số trên”) giảm trung bình 11.3 mm Hg, và áp suất tâm trương (diastolic blood pressure, nôm na “số dưới”) giảm trung bình 7.5 mm Hg.
Con tim người quen vận động sẽ bơm máu tới nuôi các cơ quan hữu hiệu hơn và với một sức ít hơn. Con tim bình thường, vào mỗi nhịp co bóp, đẩy ra chỉ được 70 cc (phân khối) máu, song một con tim quen vận động, to hơn, khỏe hơn, vào mỗi nhịp co bóp, đẩy ra được đến 130 cc máu, tức hơn 60 cc máu. Đã vậy, máu cũng đến các bắp thịt nhiều hơn, khiến các bắp thịt lâu mỏi. Nhờ thế, tập luyện đều đặn, sức vận động của ta ngày lại càng tăng lên, dẻo dai, lâu mệt.
2. Bệnh tiểu đường:
Tiểu đường có hai loại, 1 và 2. Loại 2 thường xảy ra ở người trên 40 tuổi, cơ chế chính gây bệnh là sự kháng insulin (insulin resistance), khiến chất insulin không thể đưa đường từ ngoài máu vào trong các tế bào, và vì vậy, đường tăng cao trong máu. (Insulin là chất tiết bởi tuyến tụy tạng, có nhiệm vụ giúp đưa chất đường từ máu vào trong các tế bào, và điều hòa lượng đường trong máu để đường máu không bao giờ lên quá cao). Sự kháng insulin này ở người tiểu đường chịu khó vận động đều, có thể giảm đến 40%, căn bệnh dễ kiểm soát hơn. Các thuốc chữa tiểu đường loại 2 như metformin và glitazones cũng chỉ làm giảm sự kháng insulin này được có 20-25%, như vậy, vận động so ra, còn tốt hơn thuốc.
Các vị có tiểu đường loại 2, và con cái (tiểu đường loại 2 có tính di truyền rất mạnh, bố mẹ mang bệnh, con cái sau dễ bị), – cả bác sĩ điều trị nữa – cần hiểu rõ vai trò của vận động trong việc chữa và ngừa tiểu đường.
3. Bệnh khớp thoái biến:
Điều đáng buồn, các khớp của cơ thể ta, như bánh xe, sẽ mòn dần theo năm tháng. Theo thời gian, chúng ta khó tránh bệnh khớp thoái biến (degenerative joint disease, còn gọi osteoarthritis). Tuy là bệnh khớp, song căn bệnh cũng làm giảm sức mạnh, sự dẻo dai, tầm hoạt động (range of motion), cũng như khả năng thích ứng (fitness) của các bắp thịt. Sự tập luyện có thể giúp chúng ta đi đứng vững vàng hơn, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng của ta với các công việc hàng ngày.
Khi vận động, người có bệnh khớp thoái biến ở gối hoặc ở các khớp khác giữ nhiệm vụ nâng đỡ sức nặng cơ thể, không nên chạy (running), nhưng có thể đi bộ, đạp xe đạp, hoặc bơi lội.
4. Bệnh cao mỡ trong máu:
Vận động có tác dụng làm giảm chất mỡ cholesterol xấu (hay được gọi tắt LDL), và mỡ triglycerides trong máu, đồng thời làm tăng mỡ cholesterol tốt (gọi tắt HDL), như vậy giúp triển vọng bị bệnh tim mạch của ta nhẹ bớt.
5. Bắp thịt:
Ta sung sức, bắp thịt ta mạnh mẽ nhất trong khoảng tuổi trên dưới 30 trở xuống, rồi bắt đầu yếu dần sau tuổi 40. Khối lượng các bắp thịt giảm đi 20% vào tuổi 65. Cách luyện tập với một sức cản (resistance training, như tập tạ) làm chậm lại tiến trình thoái hóa bắp thịt, tăng sự mềm dẻo, giúp thăng bằng khi đi đứng, đồng thời duy trì sự toàn vẹn của các khớp. Như vậy, luyện tập thường xuyên là yếu tố rất quan trọng để ngừa và chữa bệnh khớp thoái biến.
Sự bất động (immobilization) và không hoạt động (inactivity) sẽ khiến các bắp thịt ngắn lại, không dãn dài được tối đa và mất đi khả năng hấp thu các chấn động (shock-absorbing capacity) đỡ cho các khớp. Nằm mãi trên giường, hoặc bất cứ hình thức bất động nào khác rất tai hại cho bắp thịt và khớp. Thêm vào đó, sự bất động dễ đưa đến tình trạng máu đọng trong các tĩnh mạch ở chân, rồi có thể bắn lên phổi gây chết người. (Hiểu như vậy, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy mới mổ hay sanh có một ngày, các bác sĩ đã vội dục bạn ngồi dậy trên giường, sau đó cố bước xuống giường, lò dò đi quanh).
6. Xương:
Xương cũng sẽ tiêu mất dần theo thời gian, nhất là ở phụ nữ đã mãn kinh, trở thành xốp mềm, dễ gãy. Vận động giúp xương cứng chắc, chậm mất. Thêm vào đó, người quen vận động lại ít khi té ngã, vì phản ứng lẹ làng với các biến chuyển chung quanh, nhờ các phản xạ thần kinh bắp thịt sẵn tốt, nên xương ít bị tổn thương. Rõ ràng, vận động đóng góp một phần rất lớn vào việc chống bệnh xốp xương (osteoporosis) và ngăn ngừa xương khỏi gãy.
7. Tiến trình lão hóa:
Năm mới, rồi những năm mới nữa, mọi người chúng ta sẽ già dần, do tiến trình lão hóa (aging process). Nhiều vị trông lỏng lẻo hơn, bệ xệ hơn, chậm chạp hơn rất nhanh. Nhưng có những người trông vẫn trẻ lâu, nhanh nhẹn, việc gì thoắt cái cũng xong, như thời gian không mấy gì ảnh hưởng đến họ.
Nhiều bằng chứng cho thấy sự vận động thay đổi hoặc làm chậm đi tiến trình lão hóa, giúp bắp thịt gân cốt cứng chắc, dẻo dai, nhanh nhẹn dài lâu, mỡ ít đọng vào những nơi nó hay đọng khi ta có tuổi.
8. Tinh thần:
Vận động cũng giúp giảm căng thẳng, khó chịu, nóng nảy. Người quen vận động tinh thần sảng khoái, tự tin, khả năng tri thức tinh tiến. Vận động cũng là phương thuốc rất tốt, không gây phản ứng phụ, để ngừa và chữa những trường hợp buồn sầu nhẹ (mild depression).
Nguồn vivado.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét