Đừng nghĩ chuyện robot cướp việc của con người vẫn còn đang đâu đó xa vời ngoài thế giới. Cho đến những ngày giữa năm 2017 này, người ta chứng kiến những công nhân người Việt, ngay trên đất Việt Nam, đang bắt đầu bị ‘mất việc bởi robot’.
Vì vậy, có lẽ viễn cảnh tương tự đối với những người Việt làm kế toán, làm dịch thuật, hay thậm chí là làm bác sĩ sẽ đến chỉ trong nay mai mà thôi (Trên thế giới, người ta dự đoán đến năm 2053, nghề bác sĩ phẫu thuật – một nghề danh giá trong xã hội – sẽ chính thức vào tay những công nghệ tối tân như công nghệ sinh học, AI hay robot).
Còn hiện tại, chuyện công nhân ‘mất việc bởi robot’ là thực tế chính đang xảy ra tại nhiều công ty sản xuất mỹ nghệ ở Bình Dương, theo thông tin từ tờ Nhịp cầu đầu tư.
Con số giật mình được đưa ra là có tới 90% công nhân đã phải nghỉ việc, với lý do là vì nhiều dây chuyền sản xuất chỉ cần vỏn vẹn 5 robot là đã vận hành ‘ngon lành’. 5 robot này thừa sức thay thế được số lượng lớn tới hơn 100 công nhân nhưng chỉ tập trung được vào duy nhất khâu tạo hình sản phẩm trong toàn bộ dây chuyền.
Bên trong một nhà máy của Vinamilk
Trung bình cứ mỗi tiếng, 1 robot này vận hành sẽ cho ra 500 sản phẩm, với độ chính xác lên đến từng milimet. Điều quan trọng là robot không bị ảnh hưởng bởi tâm lý như con người, chúng không mệt, không đói, không vướng bận gia đình, cho nên năng suất luôn được giữ vững. Do đó, các sản phẩm được làm ra không chỉ được đảm bảo về chất lượng mà còn ổn định về số lượng
Câu chuyện tượng tự cũng xảy ra ở một số công ty chế biến thủy sản ở Cần Thơ. Các công ty này cũng đã đầu tư các dây chuyền tự động hóa cao: Thủy sản, ví dụ như những con tôm, sẽ được đặt trên băng chuyền và được đưa qua những ‘con mắt lazer’ có chức năng phân loại tôm theo đúng kích cỡ quy định. Phân loại xong, dây chuyền tự động sắp xếp tôm ở cùng một kích cỡ vào một nhóm.
Hiệu quả của dây chuyền này rất đáng nể, khi mà hàng chục tấn tôm, với độ chính xác cao, có thể được xử lý trong mỗi ngày. Công việc này trước đó phải cần tới hàng trăm công nhân làm trong rất nhiều thời gian nhưng độ chính xác vẫn rất thấp.
Vì thế, với sự ra đời của dây chuyền trên, hàng trăm công nhân này có lẽ sẽ sớm nhận được những tờ giấy cho ‘tạm nghỉ việc’ chăng?
Không chỉ các cơ sở sản xuất nhỏ và trung bình, xu hướng ‘robot cướp việc của con người’ giờ đây cũng đã ‘lây lan’ tới những công ty lớn của Việt Nam. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi lẽ các công ty, tập đoàn lớn cũng sẽ tương đương với những khối lượng công việc khổng lồ cần sự trợ giúp của máy móc.
Hiện tại nhà máy sữa Mega của Vinamilk đã được đầu tư tới 2.400 tỉ đồng để làm tự động hóa các khâu sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng cho đến đóng gói, đóng thùng và chất lên pallet.
Giờ đây, mối lo mất việc cho những người công nhân đang càng được nhân rộng ra. Điều gì sẽ xảy ra với những người lao động có trình độ thấp trong xã hội Việt Nam, nếu như không chỉ Vinamilk mà hàng loạt các công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất khác cũng quyết định sử dụng robot?
Ở Đài Loan thì Foxconn - doanh nghiệp đã giàu lên từ việc chuyên 'dùng sức người' để gia công phụ kiện cho Apple, Sony và Nokia - vừa qua đã cắt giảm tới 60.000 công nhân, tức là hơn một nửa lượng lao động hiện có để thay thế bằng robot. Và câu chuyện tương tự hoàn toàn có thể xảy ra tại Samsung, với hơn 100.000 công nhân hiện tại ở Việt Nam.
Sự thực là chỉ cần những công ty FDI lớn, ví dụ như Samsung Việt Nam, thực hiện động thái giống như Foxconn thì việc làm của hàng chục ngàn lao động Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng theo cách mà các công nhân ở Foxconn đã phải hứng chịu: mất việc!
Cuối cùng, những con số thống kê có lẽ sẽ chứng minh một cách rõ ràng nhất. Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam thì trong 3 năm gần đây, số lượng những công việc cần trình độ thấp đã tăng trung bình tới 47%/năm.
Tuy nhiên, số lượng người làm những công việc này được thống kê chỉ tăng ở mức 8%. Vậy, câu hỏi được đặt ra là phần lớn những công việc ‘chân tay’ này đã được thực hiện bởi thứ gì nếu không phải là con người? Robot? Công nghệ?
Tất cả những điều trên đã vẽ lên một thực tại đáng ngại: Các lao động của Việt Nam, phần lớn là lao động giá rẻ trình độ thấp, chưa đáp ứng được các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao đang dần dần bị mất việc bởi robot và công nghệ.
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo rằng, trong 2 thập niên tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot.
Đặc biệt, tỷ lệ này xảy ra với ngành may mặc là lên đến 86%. Chúng ta cần nhớ rằng may mặc chính là một lợi thế của Việt Nam, nhờ vào tính thâm dụng lao động mà chúng ta có được.
Một tựa báo được nhiều học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh quan tâm
Ở trong nước, đã bắt đầu có nhiều hội thảo hướng nghiệp với nội dung “Học ngành gì để không bị robot thay thế” được tổ chức. Điều này cho thấy, viễn cảnh robot thay thế số lượng lao động lớn ở Việt Nam đang ở gần và đã bắt đầu tác động lên xã hội chúng ta, xuất hiện trong từng câu chuyện thường ngày...
Đối với các điều hành nền kinh tế, có lẽ sự đổi mới mô hình tăng trưởng cho Việt Nam sẽ là điều cấp bách cần được đề xuất. Còn đối với doanh nghiệp, thích ứng được với môi trường cạnh tranh mới và tăng năng suất chính là yếu tố cạnh tranh sống còn. Xu thế này buộc họ phải đầu tư cho tự động hóa và robot, chứ không còn không thể trông chờ vào lợi thế về lao động nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét