Hơi thở có thể nói gì về sức khỏe của bạn?
Thở là hoạt động tự động và bắt buộc của con người. Và hơi thở không chỉ đơn giản là biểu hiện của sự sống, hơi thở có mùi còn ẩn chứa dấu hiệu cho biết tình trạng sức khỏe hiện tại.
1. Ngủ ngáy
Sau một đêm ngủ ngáy (hoặc ngủ há miệng), miệng sẽ bị khô và trở thành địa điểm lý tưởng của các loại vi khuẩn tạo nên mùi khó chịu (mùi của “hơi thở buổi sáng”). Con người thường ngủ ngáy nếu nằm ngủ ở tư thế nằm thẳng, do vậy hãy thử nằm nghiêng một bên để giải quyết vấn đề.
Ngủ ngáy cũng có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu thường xuyên ngủ ngáy, hãy tham vấn bác sĩ để phòng ngừa những vấn đề về răng miệng nói riêng, về sức khỏe nói chung chứng ngừng thở khi ngủ có thể gây ra. Sử dụng chỉ nha khoa và đánh răng trước khi đi ngủ là cách làm sạch răng miệng, hạn chế vi khuẩn phát triển ban đêm.
XEM THÊM:
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ và biện pháp phòng ngừa
- Tại sao xét nghiệm hơi thở lại chẩn đoán được nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)?
- 5 cảnh báo sức khỏe khi ngủ dậy
2. Bệnh nha chu
Nếu hơi thở có mùi kim loại, rất có thể do vi khuẩn đã phát triển gây viêm và thậm chí là nhiễm khuẩn ở lợi, đó là bệnh nha chu. Người hút thuốc lá hoặc người kém vệ sinh răng miệng có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
3. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch acid trong dạ dày không đi xuôi xuống dưới mà chảy ngược lên phía trên là thực quản. Nó có thể làm cho hơi thở có mùi chua, có thể đẩy một chút dịch hoặc thức ăn ngược trở lại lên miệng, gây tổn thương vùng miệng họng và tạo địa điểm phát triển lí tưởng cho các loại vi khuẩn sinh mùi.
4. Đái tháo đường
Với người bệnh đái tháo đường, khi thấy hơi thở có mùi hoa quả, hãy đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, bởi rất có thể lúc này nội tiết tố insulin đang ở mức rất thấp, và cơ thể phải sử dụng chất béo (thay vì glucose) để tạo ra năng lượng.
5. Helicobacter pylori
Đây là tên của một loại vi khuẩn có mối liên hệ tới viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày. Nó có thể làm cho hơi thở có mùi khó chịu, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, ợ nóng, khó tiêu. Rất may nếu được phát hiện, vi khuẩn này có thể bị loại trừ bằng thuốc.
6. Nhiễm khuẩn đường hô hấp
Cảm lạnh, ho và nhiễm khuẩn mũi xoang khiến vùng miệng mũi tràn đầy dịch (mủ) chứa vi khuẩn, gây ảnh hưởng tới hơi thở. Tuy nhiên tình trạng này sẽ biến mất sau khi cơ thể khỏi bệnh.
7. Thuốc chữa bệnh
Một số thuốc điều trị có thể làm cho hơi thở có mùi khó chịu bởi chúng làm khô miệng. Có một số thuốc (như nitrate sử dụng trong bệnh lý tim mạch, hóa chất điều trị ung thư hay một vài thuốc ngủ) giải phóng các dược chất làm hơi thở có mùi. Uống quá nhiều vitamin cũng gây ra tình trạng tương tự.
8. Sỏi amidan
Nếu thức ăn đọng lại ở amidan, quá trình canxi hóa sẽ diễn ra và hình thành nên sỏi amidan. Thường sỏi amidan không gây ra vấn đề gì, nhưng đôi khi chúng có thể làm viêm sưng vùng họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra mùi khó chịu.
Sỏi amidan có thể loại bỏ bằng bàn chải đánh răng hoặc bằng một miếng gạc cotton. Chúng sẽ làm sạch các khu vực trong miệng, bao gồm cả lưỡi và các mảng bám sau khi ăn. Nếu thường xuyên bị sỏi amidan, hãy thăm khám bác sĩ.
9. Mất nước
Khi cơ thể không được đáp ứng đủ nước (mất nước), nước bọt sẽ không được tiết ra đủ, nên không thể làm sạch vi khuẩn được như bình thường, gây ra hơi thở có mùi khó chịu. Có một số bệnh và hội chứng hiếm gặp (như hội chứng Sjögren, xơ cứng bì,...) gây ảnh hưởng lên tuyến nước bọt và làm khô miệng, hơi thở có mùi khó chịu.
10. Nhiễm khuẩn
Một vết thương trong miệng có thể bị nhiễm khuẩn và tạo ra mùi khó chịu. Việc nhiễm khuẩn dễ xảy ra nếu như không tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc nha khoa. Trong đa số trường hợp, tình trạng nhiễm khuẩn sẽ tự khỏi. Nếu không, hãy thăm khám bác sĩ. Một cách hữu hiệu để giữ vệ sinh là súc miệng nước muối vài lần mỗi ngày.
11. Suy gan
Tình trạng suy gan có thể tạo nên hơi thở có mùi rất đặc trưng, đó là mùi quả thối. Đây là dấu hiệu cho thấy gan đã không còn đáp ứng được chức năng do bệnh gan tiến triển. Các dấu hiệu khác của suy gan là vàng da (vàng da, vàng lòng trắng của mắt) do sự tăng nồng độ của bilirubin.
12. Suy thận
Khi thận bị suy, chức năng lọc máu không đáp ứng đủ nhu cầu, hơi thở của bệnh nhân có thể có mùi của cá. Điều này thường xảy ra đối với bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân lúc này cần thực hiện lọc máu nhân tạo hoặc ghép thận.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
Nguồn:https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/hoi-tho-co-noi-gi-ve-suc-khoe-cua-ban/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét